3 điểm chung ai cũng nên học từ người thành công: Không đổ lỗi, không bi quan, không mất bình tĩnh

GS.TS người Đức Rainer Zitelmann đã có nhiều cuộc phỏng vấn sâu với những triệu phú, tỷ phú có giá trị tài sản ròng cực cao. Quá trình này giúp ông đúc kết ra một số đặc điểm chung cơ bản giữa họ.

GS.TS người Đức Rainer Zitelmann là một nhà đầu tư, chuyên gia tin tức nổi tiếng. đã phỏng vấn nhiều triệu phú, tỷ phú trong suốt thời gian làm luận án tiến sĩ thứ hai của mình. Họ là những người có giá trị tài sản ròng từ 30 triệu tới 1 tỷ USD.

Quá trình này khiến ông nhận ra, họ có một số đặc điểm chung có thể đúc kết như sau: đều đều theo đuổi các môn thể thao cạnh tranh hoặc nghiệp dư ở trình độ rất cao; không có mối tương quan giữa thành tích ở trường phổ thông, đại học với mức độ giàu có sau này; hầu hết cha mẹ họ chỉ đủ ăn nhưng không làm thuê cho người khác; họ coi việc bán hàng là quá trình thuyết phục những người khác;

Đặc biệt, họ không đổ lỗi khi gặp thất bại, rất bình tĩnh và luôn giữ tinh thần lạc quan, “bên ngoài hối hả, bên trong thong thả”.

Đây cũng là những tâm đắc được ông đưa vào cuốn sách “The Wealth Elite – A Groundbreaking Study of the Psychology of the Super Rich” (Tựa đề tiếng Việt: “Đọc vị tâm lý hành vi của giới giàu và siêu giàu”). Tờ The Huffington Post nhận định đó cũng là “lời giải thích cho sự thành công của nền kinh tế thị trường và sự thịnh vượng”.

Những phát hiện của nghiên cứu sự giàu có ở Đức cho thấy, ngoài tài sản thừa kế, tinh thần doanh chủ và các đặc điểm tính cách đóng một vai trò quyết định trong việc tạo ra của cải. Hầu hết các triệu phú, tỷ phú được phỏng vấn không phải lúc nào cũng sinh ra trong nhung lụa, học giỏi như con người ta, mà còn không ít lần “lên voi xuống chó”, “trầy vi tróc vẩy”…

Họ đến từ các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và có tới 60% cha mẹ của những người này là lao động tự do, có thể không giàu có, nhưng điều quan trọng hơn là họ không làm thuê cho người khác. Nhờ thế, ngay khi còn nhỏ, những triệu phú và tỷ phú được phỏng vấn đã có ý thức sẽ tự kinh doanh cho chính mình.

Một số khác thì nhận ảnh hưởng từ những người hàng xóm, họ hàng, bạn bè giàu có xung quanh.


GS.TS Rainer Zitelmann viết, hầu hết các đối tượng phỏng vấn đã được hưởng lợi từ môi trường giáo dục tốt ở bậc phổ thông và đại học, nhưng điều này không làm họ khác biệt với người cùng thời. Thành tích học tập của họ phần lớn là tầm thường.

Trong khi đó, những người có thành tích tốt nhất ở trường phổ thông hoặc trường đại học sau này thường không vươn tới đỉnh cao tuyệt đối của sự giàu có.

“Hơn một nửa số đối tượng phỏng vấn theo đuổi các môn thể thao cạnh tranh hoặc nghiệp dư ở trình độ rất cao. Bằng cách này, họ học cách đương đầu với chiến thắng và thất bại, và khẳng định mình trước các đối thủ cạnh tranh; họ có khả năng chịu đựng sự thất vọng và phát triển lòng tự tin vào chính mình. Hầu hết các đối tượng phỏng vấn không chơi các môn thể thao có tính đồng đội. Nhưng tại một thời điểm nào đó, họ nhận ra họ thiếu các yếu tố di truyền để đạt đến trình độ cao nhất trong môn thể thao mình theo đuổi”
, tác giả viết.

Từ khi còn là học sinh, sinh viên, họ đã thể hiện năng khiếu kiếm tiền theo lối riêng. Trong khi bạn cùng lớp, cùng trường làm các công việc kiểu làm công ăn lương theo giờ, họ bán mọi thứ. Việc kinh doanh này đem lại bề dài kinh nghiệm từ khi họ còn rất trẻ.

Ở trường, họ không được học về kinh doanh, bán hàng, marketing, khuyến mại…nhưng quá trình học tập qua trải nghiệm, cụ thể là học tập vô thức đã mang đến những tri thức ẩn, có vai trò quan trọng hơn đối với thành công sau này của họ so với giáo dục chính quy ở trường phổ thông và đại học.

“Đối với họ, bán hàng không chỉ là quá trình tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ. Họ định nghĩa doanh số bán hàng theo các thuật ngữ rộng hơn nhiều. Họ coi việc bán hàng là quá trình thuyết phục những người khác và không xem câu trả lời “Không” mà họ thường gặp khi chào hàng là điều tiêu cực.

Nhiều người kể lại rằng, niềm vui lớn nhất của họ là chuyển từ câu trả lời “Không” này thành “Có”. Nhiều đối tượng phỏng vấn nhấn mạnh rằng, trên hết, cần phải có một mức độ đồng cảm cao để đạt được sự thay đổi như vậy. Khả năng “đọc vị” mọi người và nắm bắt bằng trực giác nỗi sợ hãi, những điều cản trở và khiến họ phản đối, sau đó xua tan chúng, là điều vô cùng quan trọng”,
 tác giả viết.

Bên cạnh sự đồng cảm, chuyên môn nghiệp vụ cũng đóng vai trò quan trọng khi kết hợp với kỹ năng sư phạm xuất sắc. Những người này mô tả “có thể giải thích mọi thứ rõ ràng” là điều kiện tiên quyết để thành công trong bán hàng.

Thành công của các triệu phú và tỷ phú kể trên còn dựa trên một số thái độ và quan điểm cốt lõi, gồm sự lạc quan. Lạc quan ở đây đồng nghĩa với những gì các nhà tâm lý học gọi là lòng tin vào khả năng của bản thân.

Theo cách nói của bản thân họ, sự lạc quan là niềm tin rằng “nhờ vào khả năng, mạng lưới quan hệ hoặc trí tuệ của anh, anh luôn có thể xác định các giải pháp và vượt qua bất cứ điều gì”.

Trong khi đó, việc chấp nhận một cách có ý thức mức độ rủi ro cao, đặc biệt trong giai đoạn khởi nghiệp và việc giảm thiểu những rủi ro này sau đó đều là chìa khóa để duy trì thành công lâu dài về mặt tài chính. Định hướng hành động sau thất bại là một đặc điểm tính cách chủ yếu của doanh nhân.

Điều đáng lưu ý là họ không tìm cách đổ lỗi thất bại và khủng hoảng của họ cho hoàn cảnh bên ngoài hoặc cho người khác mà nhận lỗi về mình. Thay vì vật lộn với những điều không thể thay đổi, họ tập trung hoàn toàn vào các giải pháp thiết thực cho bất kỳ khủng hoảng nào.

Thuý Phương
Trí Thức Trẻ
Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/3-diem-chung-ai-cung-nen-hoc-tu-nguoi-thanh-cong-khong-do-loi-khong-bi-quan-khong-mat-binh-tinh-20220829151045206.htm

Post a Comment

Previous Post Next Post